Thứ Tư, 10 tháng 7, 2019

Công tác thí nghiệm kiểm tra chất lượng cọc nhồi và cọc barrette

Có 3 phương pháp thí nghiệm kiểm tra chất lượng cọc, đó là: Thí nghiệm nén tĩnh cọc, phương pháp siêu âm, thí nghiệm gia tải bằng hộp osterberg.

I. Thí nghiệm nén tĩnh cọc

Các quy trình quy phạm liên quan: TCXD 196-1997; 20TCVN 88-80; ASTM D 1143-81. 

1. Phương pháp thí nghiệm 

1.1. Mục đích 

Thí nghiệm né tĩnh cọc mô phỏng quá trình làm việc của cọc dưới tác dụng của tải trọng thẳng đứng của công trình, nhằm để đánh giá khả năng mang tải của cọc thông qua mối quan hệ độ lún - tải trọng thu được trong quá trình thí nghiệm. 

1.2. Phương pháp thí nghiệm 

Thí nghiệm thực nghiệm theo phương pháp gia tải tĩnh từng cấp lên cọc theo phương dọc trục. 

Trong thí nghiệm nén tĩnh cọc theo phương pháp gia tải tĩnh từng cấp lên cọc theo phương pháp dọc trục, tải trọng tác dụng lên đầu cọc theo từng cấp tăng dần cho tới khi đạt tới tải thí nghiệm lớn nhất theo yêu cầu thiết kế và được tạo ra bằng kích thuỷ lực với dàn đối trọng hoặc hệ neo làm điểm tựa phản lực. Hệ dàn đối trọng hoặc neo phải đủ lớn để có thể chịu được các giá trị tải trọng thí nghiệm tác dụng lên đầu cọc một cách an toàn. Thông thường, trọng lượng dàn đối trọng hoặc tổng lực nhổ của hệ neo phải 1,1 – 1,2 lần tải trọng lớn nhất dự kiến tác dụng lên đầu cọc. Các số đo độ lún của đầu cọc phải được đọc ghi trong các khoảng thời gian hợp lý cho từng cấp tải tác dụng. Các cấp tải sau chỉ được áp dụng khi độ lún đầu cọc tại cấp áp lực trước đó là ổn định hoặc dược xem là ổn định. Độ lún đầu cọc được đo bằng các đồng hồ độ chính xác tới 0,01mm và phải được đặt trên hệ giá ổn định không thay đổi vị trí trong quá trình thí nghiệm. 

1.3. Thiết bị thí nghiệm 

Thiết bị thí nghiệm bao gồm các thiết bị tạo áp, dụng cụ đo chuyển vị và dàn chất tải. 

1.3.1. Thiết bị tạo áp 

Gồm các kích và máy bơm thuỷ lực. Kích và máy bơm thuỷ lực được nối với thành hệ tạo áp. Tổng công suất của kích hoặc hệ kích và máy bơm thuỷ lực dùng để tạo áp trên đầu cọc thường phải bằng 2 lần tải thí nghiệm lớn nhất. Khi sử dụng hệ gồm nhiều kích, các thành phần phải cùng loại và đồng nhất. 

1.3.2. Dụng cụ đo chuyển vị 

Dụng cụ đo chuyển vị là các đồng hồ đo được các chuyển vị ít nhất tới 50mm với độ chính xác tới 0,01mm. Số lượng đồng hồ đo chuyển vị phải vừa đủ để có thể theo dõi được toàn cảnh độ lún của đầu cọc và được đặt hai bên đối xứng qua tâm trên đầu cọc. Giá đặt đồng hồ được cố định trên hai thành đỡ đảm bảo không thay đổi vị trí trong suốt quá trình thí nghiệm. 

1.3.3. Dàn chất tải 

Dàn chất tải là hệ các dàn thép được sắp xếp tạo nên một bề mặt phẳng cân xứng trên cọc thí nghiệm. Các dầm thép này được đặt cân bằng trên hai gối tựa song song cách đều cọc thí nghiệm ở khoảng cách ít nhất 2m so với tâm cọc. Trên mặt phẳng của các dầm là các khối đối trọng bê tông. Trọng lượng hữu ích của toàn bộ dàn chất tải trên đầu cọc ít nhất phải bằng 1,1 lần cấp tải dự định gia tải lên điểm tựa tiếp nhận tải trọng được đặt trên đầm chính. Dầm chính là điểm tựa trực tiếp nhận tải trọng do kích tạo ra truyền lên hệ đối trọng và phản lực lại đầu cọc. 

Tuỳ theo giá trị tải trọng thí nghiệm lớn nhất, số lượng và kích thước các dầm chính và đầm phụ có thể khác miền là đảm bảo an toàn về phương diện sức bền vật liệu. 

Hai gối tựa cho hai đầu dàn chất tải phải có diện tích đáy đủ lớn để phân phối đều tải trọng và áp lực tác đụng lên đất dưới đáy gối tựa phải đủ nhỏ để tránh lúc nghiêng, lúc nhiều, lún trồi ảnh hưởng đến kết quả đo do thanh đỡ đồng hồ bị chuyển vị và không đảm bảo điều kiện an toàn cho thí nghiệm. Trong trường hợp cần thiết, đất nền dưới đáy gối tựa phải được gia cường chống lún, ví dụ đệm cát hoặc đôi khi cần thiết bằng cọc... 

1.4. Quy trình thí nghiệm 

Quy trình thí nghiệm quy định quá trình giảm tải và đo độ lún. 

* Tải thí nghiệm lớn nhất: 

Tải thí nghiệm lớn nhất được Thiết kế quy định, thường gấp 1,5-2 lần tải thiết kế cho cọc làm việc và tới 3-3,5 lần cho cọc thử tới phá hoại. 

* Quy trình tăng giảm tải: 

Tải trọng tác dụng lên đầu cọc theo từng cấp tương ứng với % tải trọng thiết kế. Các cấp tải sau chỉ được áp dụng khi độ lún đầu cọc được xem là ổn định ở cấp tải trước. Thí nghiệm có thể tiến hành theo một, hai hoặc nhiều chu kỳ tuỳ theo ý đồ thiết kế. Ví dụ thông thường cho thí nghiệm tới tải trọng đến 200% tải thiết kế như sau, đối với cọc khoan nhồi: 

Chu kỳ 1: 

- Gia tải: 0% -> 25% -> 50% -> 75% -> 100% 

- Giảm tải: 100% -> 75% -> 50% -> 25% -> 0% 

Chu kỳ 2: 

- Gia tải: 0% -> 50% -> 100% -> 125% -> 150% -> 175% -> 200% 

- Giảm tải: 200% ® 150% ® 100% ®50% ®0% 

Cấp tải trọng thường bằng nhau và có giá trị trong khoảng 10 - 30% tải trọng thiết kế. 

* Quy trình đo đạc: 

Độ lún của đầu cọc phải được đọc ghi ngay trước và sau khi tác dụng tải trọng và sau đó trong khoảng thời gian hợp lý để có thể theo rõi toàn bộ quá trình lún đầu cọc theo thời giam cho đến khi ổn định lún. Các cấp tải sau chỉ được gia thêm khi độ lún đầu cọc tại cấp tải trước được xem là ổn định, thường là không quá 0,25mm/1 giờ hoặc 0,1mm/giờ nhưng thời gian dài nhất cho mỗi cấp tải không quá 2 giờ. Bảng sau cho ví dụ về quy trình thí nghiệm.


Trước khi lắp đặt thiết bị và thí nghiệm, đầu cọc phải được vệ sinh và gia cường đủ độ bền, độ phẳng và bề mặt cọc phải đảm bảo nằm ngang bằng thước nivo. Phía trên bề mặt cọc phải đặt tấm đệm thép đủ dày (cỡ 10 cm) đảm bảo phân phối lực đồng đều trên khắp bề mặt cọc. 

* Quy định về phá hoại cọc: 

Cọc đang thí nghiệm được xem là hỏng, bị phá hoại khi quan sát thấy một trong các dấu hiệu sau: 

- Vật liệu hỏng bị phá hoại 

- Đầu cọc bị lún tăng tiến và áp lực trên đầu cọc không thể đạt hoặc giữ ổn định 

- Độ lún đầu cọc đạt tới giá trị do thiết kế quy định, ví dụ, đối với cọc khoan nhồi, cọc sẽ được xem như là hỏng khi tại tải trọng thí nghiệm bằng 200% tải thiết kế, độ lún đầu cọc vượt quá vị trí số 2% đường kính cọc (2 cm cho cọc 1000mm và 1.6mm cho cọc 800mm) và độ lún dư khi giảm tải bằng 0 vượt quá 8mm. 

1.5. Báo cáo kết quả 

Kết quả thí nghiệm được thành lập báo cáo gồm gồm hai phần thuyết minh và phụ lục. Thuyết minh cho các thông tin về cọc thí nghiệm, các kết luận, kiến nghị về sử dụng sức mạnh tải của cọc. Phụ lục cho chi tiết toàn bộ kết quả đo và các đồ thị quan hệ. 

- Đồ thị tải trọng - Độ lún 

- Đồ thị lún - Thời gian 

- Đồ thị tải trọng - Độ lún - Thời gian

II. Phương pháp siêu âm 

1. Nguyên lý thiết bị 

Phương pháp siêu âm xác định tính toàn khối của cọc dựa trên đặc điểm của quá trình truyền sóng siêu âm trong vật liệu bê tông. Sóng siêu âm truyền từ đầu phát qua vật liệu cọc đến đầu thu. Đặc tính của vật liệu ảnh hưởng đến tín hiệu thu được trên máy đo. Trong thí nghiệm siêu âm, hai đầu thu, phát sóng siêu âm được thải xuống đáy của ống đặt sẵn trong lòng cọc trước khi đổ bê tông (hai đầu đo phải luôn cùng cao độ). Cả đầu thu và phát được kéo lên với một vận tốc đặt trước phù hợp với chiều dài cọc và khả năng của máy đo. Trong quá trình đầu đo định chuyển lên đỉnh tín hiệu được hiển thị trên màn hình và được ghi lại thành file dưới dạng số và được lưu giữ trong thiết bị đo. 

2. Tính năng kỹ thuật 

Bộ thiết bị siêu âm gồm các bộ phận chính sau: 

* Máy đo: Là một máy tính tổ hợp với phần điều khiển thiết bị chức năng điều khiển quá trình đo, lưu giữ số liệu. 

* Bộ phận đo chiều dài: Đo chiều dài kiểm tra, kiểm soát tốc độ kéo đầu đo 

* Cuộn dây: Dài tới 100m, một đầu nối với dây đo, một đầu nối với 2 đầu đo, truyền và nhận tín hiệu giữa máy đo và các đầu đo. 

* Dầu đo: đầu phát phát ra xung siêu âm có tần số 60 - 100KHz 

Các thiết bị siêu âm hiện nay cho phép đo các cọc có đường kính tới 2,5m. Tần số của tín hiệu từ 250MHz. Tần số đo từ 1 - 5cm/lần đo. Tần số phát xung 12 - 20 Hz.

3. Quy trình thí nghiệm 

Trước khi tiến hành thí nghiệm đo siêu âm kiểm tra chất lượng cọc tại hiện trường nhà thầu chuyển cho đơn vị thí nghiệm các tài liệu liên quan như số lượng cọc thí nghiệm, mặt bằng cọc thí nghiệm và các số liệu từng cọc thí nghiệm, đặc biệt là các số liệu về cao độ của ống siêu âm và của cọc. Nhà thầu tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thí nghiệm tiếp cận hiện trường và thực hiện thí nghiệm. Nhà thầu có trách nhiệm mời các đơn vị liên quan như tư vấn, chủ đầu tư chứng kiến thí nghiệm. 

Quá trình thí nghiệm siêu âm cụ thể như sau: 

+ Đánh số các ống siêu âm trên mặt đất (cọc có thể ở sâu bên dưới) theo một quy tắc. Đo khoảng cách giữa các ống siêu âm. Trước khi đo phải khẳng định các ống siêu âm chứa đầy nước và không bị tắc. 

+ Đưa các đầu đo vào bên trong ống và thả xuống tận đáy. Căn chỉnh 2 đầu đo tại vị trí bê tông tốt cho tín hiệu thu được là chuẩn nhất. 

+ Quá trình đo bắt đầu đồng thời khi kéo hai dầu đo từ đáy ống siêu âm lên và kết thúc khi hai đầu đo lên đến đỉnh. Trong khi kéo đầu đo lên phải liên tục cấp nước vào các ống siêu âm. Số liệu đo được lưu giữ lại trong máy đo. Nếu nghi ngờ có khuyết tật trong quá trinh đo được lặp lại với các thang đo khác nhau. Lặp lại quá trình đo cho các cặp ống siêu âm (mặt cắt siêu âm) khác. Thí nghiệm cho một cọc kết thúc khi đo siêu âm cho tất cả các mặt cắt hoàn tất. 

Kết quả thí nghiệm sẽ được đơn vị thí nghiệm đánh giá sơ bộ tại hiện trường phân tích trong phòng và lập báo cáo chính thức. 

4. Kết quả thí nghiệm 

Tín hiệu siêu âm nhận được trên màn hình máy đo. Mỗi vị trí chiều sâu siêu âm cho một tín hiệu siêu âm nhất định. Thông thường bê tông tốt cho tín hiệu siêu âm có biên độ cao đồng đều, bê tông xấu cho tín hiệu yếu. 

Tại mỗi độ sâu máy đo thu nhận một tín hiệu và tập hợp các tín hiệu theo chiều sâu cho hình ảnh phổ siêu âm học. 

Hình ảnh phổ siêu âm cọc chỉ cho phép đánh giá định tính chất lượng bê tông cọc. các thiết bị siêu âm hiện nay đều phải có phần mềm xử lý số liệu để đưa ra các thông số cụ thể hơn là thời gian và vận tốc truyền song âm trong vật liệu cọc. Vận tốc truyền sóng trong khoảng 3000 - 5000m/s biểu hiện bê tông tốt và đồng đều. Tại các vị trí có suy giảm 20% vận tốc truyền sóng và vận tốc truyền sóng giảm dưới 3000m/s biểu hiện rằng bê tông khuyết tật.

III. Thí nghiệm gia tải bằng hộp osterberg 

1. Mở đầu 

Thí nghiệm hộ Osterberg có một số ưu điểm sau: 

- Có thể thí nghiệm đến tải trọng rất lớn mà không đòi hỏi phải sử dụng đối trong hoặc neo: Đến nay thí nghiệm cọc đường kính tới 3m và tải trọng nén 15.000 tấn đã được thực hiện bằng phương pháp này. 

- Cho phép xác định riêng rẽ thành phần sức chịu tải ở mũi cọc và ma sát bên. Các quan hệ tải trọng lên mũi cọc - chuyển vị và ma sát bên - chuyển vị được xác định từ kết quả thí nghiệm; 

Phương pháp hộp Osterberg cũng có một số nhượng điểm sau: 

- Không thu hồi được kích sau khi được hoàn thành thí nghiệm; 

- Công tác lắp đặt thiết bị thí nghiệm phức tạp, phải do chuyên gia có kinh nghiệm thực hiện. 

- Thời gian lắp đặt thiết bị thí nghiệm khá lâu, do đó có thể ảnh hưởng đến chất lượng thi công cọc khoan nhồi; 

- Sau khi kết thúc thí nghiệm, chất lượng bơm phun lấp đầy lòng kích và khoảng trống trong cọc hình thành thí nghiệm sẽ có ảnh hưởng lớn đến thành phẩm sức chịu tải mũi cọc (trường hợp cây cọc được sử dụng cho công trình). 

2. Bố trí và lắp đặt thiết bị thí nghiệm 

2.1. Thiết bị thí nghiệm 

Để thực hiện thí nghiệm, kích thuỷ lực tải trọng lớn được hạ xuống mũi cọc hoặc khu vực gần mũi cọc cùng với một số dụng cụ phục vụ đo chuyền vị của cọc. 

Trong thí nghiệm, kích có nhiệm vụ tạo lực tác dụng đồng thời lên phần cọc nằm phía trên và phía dưới vị trí đặt kích. Hệ kích thuỷ lực có thể bao gồm 1 hoặc nhiều kích, tuỳ theo tải trọng thí nghiệm và kích thước thiết diện cây cọc. Các thí nghiệm thường có hành trình tối đa 15 cm. Đối với cọc khoan nhồi, kích được gá vào lồng thép và được hạ xuống lỗ khoan trước khi đổ bê tông. ống dẫn dung dịch thuỷ lực (chung cho hệ kích) được nối từ kích lên đến mặt đất phục vụ cho việc gia tải khi thí nghiệm. 

Để có thể quan trắc chuyển vị trí phần cọc nằm phía dưới và phía trên vị trí đặt kích, một số thanh dẫn được gắn vào hai bản thép nằm trên và dưới kích và được nối lên đỉnh cọc. Các thanh này có cấu tạo tương tự cần xuyên tĩnh với một lớp áo và một lõi thép, trong đó áo được gắn với bê tông cọc trong khi lõi thép có thể chuyển dịch tự do. Khi cọc chịu tải và biến dạng, chuyển vị ở các độ sâu khác nhau sẽ được xác định theo chuyển vị của các thanh truyền. Quan hệ tải trọng - chuyển vị cho thành phần sức chịu tải ở mũi cọc được xác định từ kết quả đo lực kích thích và chuyển vị phía dưới kích. Từ lực kích và chuyển vị ở phía trên kích có thể xây dựng quan hệ ma sát bên - chuyển vị. 

Ngoài kích và các dụng cụ đo chuyển vị, một số ống bơm vừa cũng được lắp đặt trước khi đổ bê tông. Thông qua các ống này, khe hở phát sinh trong phạm vi thân kích khi thí nghiệm sẽ được bơm vừa lấp đầy sau khi kết thúc thí nghiệm. 

2.2. Lựa chọn độ sâu đặt kích 

Độ sâu đặt kích lợp lý cho phép tận dụng tối đa khả năng của kích và tăng hiệu quả của thí nghiệm.  Dưới đây là 2 trường hợp đặt kích phổ biến trong thực tế: 


Ý nghĩa của vị trí đặt kích đối với hiệu quả thí nghiệm như sau: 

a. Hình 3a thể hiện trường hợp thường gặp trong thực tế, trong đó kích được đặt tại đáy hố khoan. Trong trường hợp này trước khi đặt kích người ta thường đổ một lượng nhỏ bê tông xuống đáy 2a hố khoan để tạo bề mặt tiếp xúc tốt giữa kích và đất nến. Vị trí đặt kích này được lựa chọn khi: 

- Ma sát trên và sức kháng tại mũi cọc có giá trị tương đương. 

- Sức kháng tại mũi cọc lớn hơn nhiều so với ma sát bên, do đó khi thí nghiệm chủ yếu quan tâm đến việc xác định thành phần ma sát bên. 

b. Hình 3b mô tả trường hợp sử dụng 2 hệ kích đặt ở độ sâu khác nhau để thí nghiệm. 

Với cách bố trí này có thể xác định: 

- Ma sát bên do lớp đất nằm trên hệ kích thứ nhất. 

- Ma sát bên do lớp đất nằm giữa 2 hệ kích. 

- Sức kháng dưới mũi cọc. 

3. Gia tải cọc 

Sau khi cọc đã "nghỉ" một thời gian quy định (thông thường là 21 ngày) và bê tông cọc đã đạt cường độ thiết kế có thể bắt đầu thực hiện thí nghiệm. Việc gia tải cọc bằng hộp osterberg được thực hiện theo quy trình tương tự như thí nghiệm nén tĩnh cọc. Quy trình gia tải nhanh của ASTM D1143 thường được sử dụng, tuy vậy cũng có thể thí nghiệm theo các quy trình nén "chậm" hoặc nén tuỳ theo yêu cầu của thiết kế. 

Trong quá trình thí nghiệm có thể thu được các thông tin sau: 

- Lực nén P: Đây là lực do hệ kích tạo ra và phải chú ý là no tác dụng đồng thời lên phần phía trên và phần phía dưới kích. Vì vậy tổng lực tác dụng lên cọc là 2P; 

- Chuyển vị của phần cọc nằm dưới hệ kích; 

- Chuyển vị của phần cọc nằm trên hệ kích; 

- Chuyển vị tại đỉnh cọc. 

Các thông tin trên cho phép thiết lập biểu đồ quan hệ tải trọng - chuyển vị cho hai phần cọc nằm phía trên và phía dưới kích. Từ các quan hệ này cũng có thể xây dựng quan hệ tải trọng - độ lún tại đỉnh cọc với dạng tương tự biểu đồ nén tĩnh cây cọc theo phương pháp thông thường.

Tham khảo thêm:

             Thí nghiệm chất lượng Bi Tum, bê tông Át Phan xây dựng

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi nếu bạn đang tìm kiếm một công ty thí nghiệm vật liệu xây dựng uy tín:

Công Ty Cổ Phần Tư Vấn Kiểm Định Xây Dựng Quốc Tế (ICCI)

Trụ Sở Chính: 198/9 Nguyễn Thái Sơn, Phường 4, Quận Gò Vấp, Tp Hồ Chí Minh.

Mr. Dũng: 0903.994.577

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các Loại Hình Kiểm Định Nhà Xưởng Phổ Biến Hiện Nay

Kiểm định nhà xưởng là quá trình quan trọng nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả và tuân thủ các quy định pháp luật. Mỗi loại hình kiểm định tập ...